Việt Nam có dân số đông, quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh, yêu cầu về chất lượng môi trường sống ngày càng cao, thu nhập đầu người đã ở mức trung bình của thế giới, số lượng bệnh viện gia tăng nhanh chóng… Tất cả đã tạo nên sức hút cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xử lý chất thải nói chung và chất thải ngành y tế nói riêng.
Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 13.600 cơ sở y tế, trong đó gồm 1.263 bệnh biện; 1.091 trung tâm y tế dự phòng; 11.104 trạm y tế xã. Con số này tiếp tục tăng lên.
Trung bình mỗi ngày số chất thải rắn y tế nguy hại lên tới 42 tấn (chiếm 11,8% tổng lượng chất thải phát sinh). Con số này đến năm 2015 dự kiến ở mức 70 tấn/ ngày. Đối với nước thải ngành y tế, khoảng 120.000 m3 được thải ra một ngày (chưa tính nước thải của các cơ sở y tế dự phòng, đào tạo y dược, sản xuất thuốc và cơ sở y tế Bộ, ngành).
Số lượng cơ sở y tế và lượng phát thải quá nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam mới có 44% số bệnh viện có quy trình xử lý nước thải, chỉ 67,8% bệnh viện xử lý chất thải rắn bằng lò đốt 2 buồng hoặc bằng công nghệ không đốt thân thiện với môi trường hoặc thuê xử lý. Còn lại 32,2% bệnh viện xử lý rác thải rắn bằng lò đốt 1 buồng, lò đốt thủ công hoặc chôn lấp trong khuôn viên bệnh viện.
Thêm vào đó, tình trạng bệnh dịch ở Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng như dịch tả, dịch tay chân miệng… Tất cả đều liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề xử lý chất thải bệnh nhân.
Đối với chất thải sinh hoạt của người dân, ở nông thôn, hiện chỉ khoảng 50% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh còn lại là chưa có. Việc xây dựng nhà tiêu tự hoại cũng chưa đạt yêu cầu.
Chính vì vậy nhu cầu xử lý rác thải theo công nghệ mới thân thiện với môi trường đang và sẽ còn rất lớn.
Đánh giá về tiềm năng này, ông Nguyễn Huy Nga-Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế- cho biết “Thị trường xử lý chất thải, nước thải và chất thải rắn còn mênh mông. Cơ hội đầu tư cho các công ty có phương pháp mới, công nghệ mới, cách tiếp cận thân thiện với môi trường đang rất rộng mở”.
Cùng chung quan điểm, bà Catherine Galtier- Tổng giám đốc APB Environment- công ty chuyên xử lý các chất thải hữu cơ của Pháp chia sẻ với PV báo Công Thương: dân số gia tăng nhanh, tập trung vào các thành phố lớn khiến áp lực xử lý chất thải rất cao, do đó Việt Nam là thị trường vô cùng lớn đối với ngành xử lý nước, chất thải nói chung.
Hotline